Hai dòng dung nham chảy về phía đông và nam Etna, ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất châu Âu, trông cực kỳ nổi bật trong hình ảnh vệ tinh.
Dung nham chảy ra từ núi lửa Etna ngày 21/2. (Ảnh: ESA).
Vệ tinh Copernicus Sentinel-2 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã gửi một bức ảnh chụp núi lửa Etna, Ý, vào ngày 21 tháng 2. Bức ảnh được xử lý bằng ánh sáng hồng ngoại, khiến các dòng dung nham nổi lên màu đỏ tươi. Ngoài dung nham, bức ảnh cho thấy rõ ràng tro bụi chảy về phía thành phố Catania gần đó.
Theo ESA, đợt phun trào hôm 16/2 rất mạnh với cột dung nham phun trào cao tới 700 m. Vụ nổ đầu tiên đã tạo ra một dòng dung nham chảy về phía đông của ngọn núi. Vài ngày sau, vụ nổ lớn thứ hai tạo ra dòng dung nham chảy về phía nam. Cả hai đều có thể được quan sát trong hình ảnh vệ tinh.
Các vệ tinh ngày nay là công cụ hữu hiệu để giám sát núi lửa và ảnh hưởng của các vụ phun trào lớn. ESA giải thích: “Khi núi lửa bắt đầu phun trào, các thiết bị quang học và radar có thể ghi lại nhiều hiện tượng kèm theo, bao gồm dòng dung nham, lở đất, khe nứt và động đất”, ESA giải thích.
Etna cao hơn 3.300 m và là ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất châu Âu. Ngọn núi đã hoạt động được khoảng 500.000 năm. Vụ phun trào Etna đầu tiên được ghi nhận xảy ra vào năm 425 trước Công nguyên. Cập nhật: 25/02/2021